Theo các thầy thuốc Đông y, vùng rừng núi Tam Đảo vốn có nhiều cây thuốc tốt và đã được sử dụng trong điều trị nhiều bệnh từ nhiều đời nay. Lương y Nguyễn Công Phượng cho biết, ông thường khám và bốc thuốc cho khoảng 20 bệnh nhân/ngày. Việc khám là hoàn toàn miễn phí, chỉ có những người cần uống thuốc mới phải trả tiền song một số bệnh nhân quá nghèo thì được tặng thuốc miễn phí. Tuy nhiên, Lương y Nguyễn Công Phượng cũng như nhiều thầy thuốc Đông y khác bày tỏ nỗi trăn trở khi hoạt động nghiên cứu và phát triển Đông y còn gặp nhiều khó khăn, nhất là việc áp dụng khoa học kỹ thuật còn hạn chế. Trong khi thổ nhưỡng, khí hậu của Tam Đảo rất phù hợp phát triển cây dược liệu, mà nhiều loại mang tính đặc thù, có giá trị cao như trà hoa vàng, sâm Ngọc Linh, Giảo cổ lam…
“Giờ cây thuốc Tam Đảo hiếm lắm rồi, mong Nhà nước tạo điều kiện, hỗ trợ về đất đai, vốn, giống để chúng tôi tập trung xây dựng, phát triển các vườn thuốc lớn hơn, quy củ với nhiều loại cây thuốc, có quy trình chăm sóc đúng khoa học”, ông Phượng nói.
Trước tâm tư, nguyện vọng của các lương y, Phó Thủ tướng cho rằng nếu chỉ làm theo kinh nghiệm mà không có cơ sở khoa học thì Đông y không thể phát triển được, mà phải có quy chuẩn khoa học trong chẩn trị bệnh, làm thuốc. Do đó, chính quyền, Hội Đông y, doanh nghiệp cần vào cuộc từng bước phối hợp cùng các lương y tổng kết các bài thuốc hay, kinh nghiệm chăm sóc, thu hoạch, làm thuốc, không chỉ chữa bệnh mà còn tạo công ăn việc làm, thậm chí có thể hướng tới xuất khẩu…
![C16A2195[1]](/uploads/news/2015_12/c16a21951.jpg)
Phó Thủ tướng cũng dành thời gian thăm Trung tâm Cây giống, cây nguyên liệu Tam Đảo, nơi đang trồng và ươm giống nhiều loại dược liệu quý như Trà Hoa vàng, cây Pa-tê-nốt, sâm Hàn Quốc, sâm Ngọc Linh…